Lịch sử Bách niên quốc sỉ

Thời điểm bắt đầu của Bách niên quốc sỉ thường được coi là từ giữa thế kỷ 19 với thất bại của Nhà Thanh trước Đế quốc Anh trong Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất[3] với nạn nghiện thuốc phiện lan rộng và sự suy sụp nhanh chóng về mặt chính trị của Nhà Thanh.[4]

Các sự kiện chính trong Lịch sử Trung Quốc thường được coi là một phần của Bách niên quốc sỉ có thể kể tới các Hiệp ước bất bình đẳng mà nhà Thanh phải ký với các cường quốc như Điều ước Hoàng Phố (黄埔条约), Điều ước Ái Hồn (瑷珲条约), cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc, Chiến tranh nha phiến lần thứ hai, sự kiện cướp phá Viên Minh Viên của liên quân các nước, chiến tranh Pháp-Thanh, chiến tranh Thanh-Nhật, cuộc Xâm lược Tây Tạng của Đế quốc Anh,[5] Yêu sách hai mươi mốt điều của Đế quốc Nhật và Chiến tranh Trung-Nhật. Trong giai đoạn này, Trung Quốc thất bại trong tất cả các cuộc xung đột mà nước này tham gia và sau đó thường xuyên phải thực hiện những nhượng bộ lớn trước các yêu sách của cường quốc thắng trận.[6]

Trong bức tranh này, Trung Quốc bị ví như miếng bánh đang bị Anh, Đức, Nga, Pháp, và Nhật chia nhau

Tại Tứ Xuyên, phong trào bài Tây dương Dư Đống Thần lãnh đạo, tái khởi sự vào năm 1898, truyền hịch văn chỉ trích Tây dương với các tội trạng như sau:

“Thuyền bè Tây dương thông thương tại biển, Gia Tô truyền đạo, chiếm đoạt sinh kế làm ruộng, nuôi tằm; phế luân thường đạo vua tôi, dùng nha phiến độc hại trung thổ, lấy dâm xảo khuynh loát lòng người. Mê hoặc nhân dân ta, khinh mạn triều đình ta, nắm quan phủ, chiếm nơi đô hội, lừa đảo lấy tiền bạc, coi tính mệnh trẻ em rẻ như quả dưa, nợ đòi nặng như gò núi. Đốt Hoàng cung, diệt thuộc quốc của ta. Đã chiếm Thượng Hải, lại cắt Đài Loan, lập cảng tại Giao Châu [Sơn Đông], muốn cắt đất nước ta ra từng mảnh. Từ xưa đến nay, Di Địch hoành hành, chưa hề xảy ra như ngày hôm nay”.

Ngày 21/6,1900, nhà Thanh hạ chiếu tuyên chiến với liên quân 8 nước xâm chiếm, đả kích kịch liệt về việc 30 năm nay Trung Quốc bị ngoại bang áp bức:

“...Khinh nhục quốc gia ta, xâm lấn đất đai ta, dày xéo dân ta, hạch sách của cải; triều đình càng nhường nhịn, bọn chúng càng hung hoành, ngày càng quá quắt, không gì không làm. Nhỏ thì áp bức nhân dân, lớn thì khinh mạn thần thánh, con dân nước ta cùng chung lửa hận, ai mà chịu cam tâm; đó là do lai tại sao nghĩa dũng đốt giáo đường, giết giáo dân. Triều đình vẫn không gây hấn, che chở như trước… Bọn chúng không biết cảm khích, lại còn buông tuồng đòi hỏi chèn ép… công nhiên đòi ta phải rút khỏi pháo đài Đại Cô. Trong sự giao thiệp với lân quốc hàng ngày, ta chưa từng thất lễ với họ; bọn chúng tự xưng là nước có giáo hoá lại vô lễ hoành hành, chuyên dựa vào binh mạnh, khí giới sắc bén… Trẫm nay khóc cáo tiên miếu, khẳng khái thề với quân dân, so với việc cẩu thả mong sống còn, lưu nhục đến vạn cổ; chi bằng ra tay đánh dẹp, nhất quyết thư hùng...”

Có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm kết thúc của Bách niên quốc sỉ. Cả Tưởng Giới ThạchMao Trạch Đông đều tuyên bố giai đoạn này kết thúc sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt khi Tưởng đề cao các hoạt động chống Nhật của chính quyền Quốc dân đảng trong chiến tranh thế giới thứ hai cũng như vị thế của Trung Quốc sau chiến tranh trong Khối Đồng Minh thắng trận năm 1945, còn Mao nhấn mạnh việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Ý niệm về sự kết thúc của Bách niên quốc sỉ sau đó còn được dùng để chỉ việc Chí nguyện quân Trung Quốc đẩy lùi quân đội Liên hiệp quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, sự kiện trao trả Hồng KôngMa Cao về Trung Quốc năm 1997 và 1999, đôi khi là cả sự kiện tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng giai đoạn này vẫn chưa thể kết thúc chừng nào Đài Loan còn chưa thống nhất về Trung Quốc.[2][7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bách niên quốc sỉ http://app1.chinadaily.com.cn/star/2003/1120/cu18-... http://www.eurasiareview.com/23042012-narratives-o... http://books.google.com/books?id=KYmiafRQP10C&pg=P... http://books.google.com/books?id=wWvl9O4Gn1UC&q=ch... http://www.nytimes.com/2010/08/10/world/asia/10gya... http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1976-... http://www.e-ir.info/2011/10/20/national-humiliati... http://www.cfr.org/publication/16079/nationalism_i... http://www.humiliationstudies.org/documents/Callah... http://www.thechinabeat.org/?p=210